Ngày đăng: 05/09/2024
- 239 lượt xem
- 7 phút đọc
” Điếc tai là tại hướng đình,
Cả làng điếc hết chứ mình em đâu!” – Ca dao Việt Nam
Ngày xưa, có một làng nọ không hiểu tại phong thủy, tại hướng đình hay vì một cớ địa lý gì khác mà cả làng đều điếc hết. Điếc từ ông Lý, ông Hương cho đến anh Mõ, điếc từ ông già bà lão, cho đến cô gái ngây thơ, anh nông phu trai tráng, tất cả đều điếc câm, điếc đặc, điếc chẳng chừa một ai.
Có một điều là không ai chịu nhận mình điếc. Nghe không hiểu họ cũng chẳng bao giờ hỏi lại, mà thực ra dù có nhắc đi nhắc lại đến hàng trăm lần họ cũng không nghe rõ hơn chút nào! Ai cũng muốn tỏ ra mình thông minh và thính tai nên bất cứ chuyện gì, họ chỉ nghe qua một lần rồi tùy hoàn cảnh và thái độ của người nói mà hiểu theo ý mình.
Một hôm có một người bị lạc mất ba con dê bèn hốt hoảng đi tìm. Lúc đi đến một thửa ruộng, trông thấy bác nông phu đang cày, người ấy lại gần chào và hỏi:
– Tôi có 3 con dê đi lạc, nếu bác có trông thấy làm ơn bảo cho tôi tìm. Thế nào tôi cũng đền ơn bác không dám quên.
Bác nông phu giật mình trả lời:
– Ông định hỏi làm gì mới được chứ. Thửa ruộng này từ đây cho tới cái đập nước đằng kia là của hương hỏa ông cha tôi để lại. Có giấy tờ rõ ràng.
Bác nông phu múa tay múa chân chỉ huyên thuyên, và chỉ mãi về phía đập nước đằng xa.
Người đánh mất dê đi đến cạnh đập nước và trông thấy đàn dê của mình đang ăn cỏ ở đấy. Thấy trong bầy dê có một con bị thương ở chân, người ấy bèn nghĩ thầm:
– Mình đem con dê này biếu cho bác nông phu để đền ơn bác ta mới được.
Người ấy đuổi đàn dê đến gần bác nông phu bảo:
– Này bác, cám ơn bác nhé. Nhờ bác tôi mới tìm lại được đàn dê chóng thế này. Đây tôi biếu bác con dê nhỏ này gọi là . . .
Nông phu trông thấy người ấy chỉ vào con dê bị thương bèn hoảng hốt:
– Ông này lại còn muốn gì nữa? Dê của ông tôi chẳng hề trông thấy bao giờ. Cả con dê què này cũng thế. Sao ông lại định vu oan cho tôi đánh què dê của ông.
Người chủ dê vẫn ôn tồn:
– Không, tôi không thể nào biếu bác mấy con dê lành được. Chỉ một con này cũng đã quá lắm rồi. Đáng lẽ chẳng cần phải biếu bác tí gì cũng chẳng sao mà.
Hai người cãi nhau và ai cũng cố làm cho người kia phải bằng lòng nghe theo lời mình. Cãi nhau mãi vẫn không xong bèn xoay ra đánh nhau. Họ đánh nhau ngay giữa đường nên lúc ấy có một người cưỡi ngựa đi qua, hai chàng bèn nắm chặt cổ áo nhau, kéo đến trước mặt người cưỡi ngựa nhờ người ấy phân xử.
Người chủ dê nói trước:
– Tôi bị lạc mất 3 con dê. Nhờ bác ấy chỉ giúp nên tôi tìm lại được. Tôi muốn đem con dê què này biếu bác ấy để đền ơn, nhưng bác ấy tham lam vô độ, lại còn đòi lấy nốt cả hai con dê lành. Tôi không chịu nên bác ấy đánh tôi.
Đến lượt bác nông phu nói:
– Tôi đang cày trong ruộng của tôi, ông này bỗng nhiên ở đâu chạy đến đòi tra hỏi đất nào là đất của tôi. Tôi bèn chỉ cho ông ta xem cái đập nước đằng kia là giới hạn đất của tôi, và thửa ruộng này là của ông cha tôi để lại. Ông ấy khám đất xong dắt 3 con dê này đến, vu cáo một cách vô lý rằng tôi đánh què dê của ông ta. Đã thế ông ta lại còn đánh tôi.
Người cưỡi ngựa hết nhìn người này, lại nhìn người kia chẳng biết nói gì.
Bác nông phu nắm chặt cương kềm cho ngựa đứng vững, có ý định giúp cho người ấy xuống ngựa dễ dàng, nhưng anh ta thấy thế hoảng hốt la lớn:
– Con ngựa này là của tôi. Lúc tôi mua về nó còn là một con ngựa con. Chính tay tôi đã chăm nuôi săn sóc nó cho đến bây giờ. Các ông định ăn cướp ngựa ban ngày ban mặt thế này sao?
Ba người dằng co một lúc và lại xoay ra đánh nhau. Đánh mãi mệt quá ba người bèn kéo nhau ra đình làng, nhờ ông Lý phân xử. Mỗi người lần lượt kể rõ lý do của mình. Ông Lý nghe xong nhìn kỹ từng người rồi bảo:
– Ừ được, chuyện cũng chẳng quan hệ gì lắm. Nếu các chú đều trông thấy rõ trăng đã tròn nghĩa là sắp đến đêm rằm, vậy ngày mai chúng ta sẽ làm lễ tế Đình như thường lệ.
Ba người tưởng rằng ông Lý hòa giải và bảo rằng nếu còn đánh nhau nữa thì sẽ phạt cả ba, bèn bỏ đi ai về nhà nấy.
Ông Lý thấy ba người đi rồi bèn đi tìm bà Lý bảo:
– Vừa rồi có ba người làng đến bảo rằng họ trông thấy trăng đã tròn rồi, vậy bà hãy sửa soạn chúng ta phải lo lễ vật tế đình.
Bà Lý đáp:
– Vâng, cám ơn ông. Nếu ông cho tôi một bộ quần áo mới để mặc Tết, thì tôi muốn tự đi chợ chọn hàng và màu tôi thích. Tôi không ngờ ông cũng nhớ rằng áo tôi rách hết cả rồi.
Bà Lý sung sướng được may áo mới, vội vàng về nhà gọi cô con gái lớn bảo:
– Cha con cho phép mẹ may một chiếc áo mới. Mẹ đã xin phép cha con lên chợ Huyện tự chọn hàng mẹ thích. Con có muốn đi chọn hàng với mẹ thì sửa soạn đi.
Cô con gái mừng quá trả lời:
– Thật không mẹ? Mẹ cũng biết đấy, con có còn là bé con nữa đâu! Con lớn đã lâu rồi mà. Nếu me bằng lòng cho đi lấy chồng thì sung sướng quá! Con thương mẹ quá!
Cô bé hí hửng sắp được lấy chồng, chạy ra vườn trông thấy vú già bèn ôm chầm lấy vú:
– Mẹ bằng lòng gã chồng cho tôi rồi vú ơi. Lễ cưới sẽ cử hành ngay lập tức.
Vú em cảm động khóc òa lên:
– Hu, hu, tôi ở với ông bà đã mấy chục năm nay rồi. Nhờ ơn Trời Phật xui khiến, ông bà cho tôi về quê thăm nhà, tôi cám ơn ông bà hết sức.
Câu chuyện tạm ngừng tại đây, nhưng sự thực chuyện của bọn họ không thể nào kể hết được. Chỉ biết rằng cho đến bây giờ bọn họ vẫn hiểu lầm, cãi nhau, đánh nhau và sẽ còn hiểu lầm nhau mãi mãi, vì chẳng ai chịu nhận mình điếc bao giờ! Chỉ có một sự tiến bộ trông thấy là vì thời buổi văn minh, nên họ cãi nhau bằng . . . tiếng ngoại quốc.
Nguồn: Sưu tầm