Sau khi cúng giỗ bố xong, Ba Giai ra Hà Nội và trọ tại một nhà hàng cơm. Bà chủ nhà hàng kể về những cô ả chua ngoa ở chợ Đồng Xuân, đặc biệt là cô hàng mắm tôm. Ba Giai hứa sẽ trị các cô ả chua ngoa này. Sáng hôm sau, Ba Giai bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình, khiến cô hàng mắm tôm phải xấu hổ và ngượng ngùng trước đám đông. Câu chuyện hứa hẹn những tình tiết hài hước và thông minh khi Ba Giai đối phó với người đanh đá.
Sau khi về nhà cúng giỗ bố xong, Ba Giai khăn áo chỉnh tề ra Hà Nội. Ba Giai vào trọ một nhà hàng cơm nọ. Trong lúc chuyện trò, bà chủ nhà hàng cho biết:
– Chẳng giấu gì ông, lẽ ra tôi còn bán hàng ở chợ Ðồng Xuân nữa, nhưng không thể nào chịu được mấy con ả cực kỳ đanh đá chu ngoa, mỗi đứa một phách, nhất là cô ả hàng mắm tôm.
Ba Giai ra vẻ anh hùng đáp:
– Có gì mà phải sợ, nó đã chu ngoa đanh đá, thì mình phải có cách trị nó, bà hiền quá chứ vào tay tôi thì…
Bà chủ quán nguýt một cái trả lời:
-Thôi, ông ơi, tôi cũng van ông thôi, du côn ở đây còn kiêng mặt bọn chúng, chứ người như ông, chúng nó coi ra gì.
– Bà nói thế, nếu tôi trị được chúng nó thì bà mất gì đây?
– Trị chúng nó à? Ông mà trị được thì tôi cho không ông hẳn một phòng để ở, nuôi luôn cơm rượu mãn đời, không bao giờ lấy tiền.
– Bà nói chơi hay nói thật?
– Tôi nói thật đấy. Nếu không tin tôi thề có trời đất quỷ thần chứng giám.
– Thôi, thế thì được, sáng mai, bà sẽ xem tôi vào cuộc ngay.
Ngày mai, vào lúc gần trưa, Ba Giai cởi trần, chỉ mặc một cái quần “vận”, không giây lưng, hay dải rút, rồi gài mấy đồng tiền kẽm bên lưng quần, ra đi. Tới ngoài đường, Ba Giai nhặt một miếng lá chuối bên đường, phủi sạch đất, bụi, rồi tới chỗ cô hàng bán mắm tôm ở cửa nam.
– Cô bán cho hai đồng mắm tôm!
Cô hàng bảo:
– Lấy cái gì mà đựng?
Ba Giai chìa miếng lá chuối ra:
– Cô đổ vào đây, tôi đùm lại tạm vậy.
Cô hàng sơ ý, lại cũng rắn mặt, nên chẳng ngần ngại liền múc ngay mắm tôm đổ vào miếng lá chuối được đặt giữa lòng hai bàn tay ông khách. Xong, ông khách bảo:
– Phiền cô lấy hộ tiền, tôi dắt nơi cạp quần đây này.
Cô hàng tưởng ông khách quê mùa chất phác, không dè vừa đưa tay vào cạp quần lấy tiền, Ba Giai thót bụng lại, tức thì chiếc quần tụt xuống ngay. Ba Giai la ầm ĩ:
– Chết chửa, sao giữa thanh thiên bạch nhật, cô lại cởi quần tôi ra thế này, “của” tôi cũng như “của” người khác, có gì lạ đâu?
Cô hàng mắm xấu hổ đỏ mặt, vội kéo quần Ba Giai lên, vặn lại, Ba Giai lại thót bụng, quần lại tụt, kêu lên:
– Cô làm gì thế này? Tôi đã bảo “của” tôi cũng như “của” người khác, chẳng có gì lạ mà!
Cứ như thế đến mấy lần, sau cô ta phải đổ mắm tôm trở lại, rồi chạy đi lấy nước rửa tay cho Ba Giai để ông tự vặn lấy quần lại, rồi cầm tiền ra đi.
Lúc ấy, các bạn hàng, người mua bán bu lại xem đông, làm cô hàng mắm càng ngượng ngùng, xấu hổ thêm. Sau đó, cô phải nghỉ luôn cả mấy ngày, từ đó cũng bỏ bớt tính chua ngoa, đanh đá.
Trưa hôm ấy về, bà chủ hàng cơm nghe người thuật lại, liền thết Ba Giai một bữa thật say.
Bài viết được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau và đã qua chỉnh sửa chính tả, biên tập lại để đảm bảo nội dung rõ ràng, dễ hiểu hơn.
Đây là truyện dân gian Việt Nam, nội dung đã được biên tập lại để phù hợp với người đọc.
Câu chuyện về Ba Giai là một minh chứng cho sự thông minh và khéo léo trong việc đối phó với người đanh đá. Dù gặp phải những cô ả chua ngoa, Ba Giai vẫn tìm ra cách để khiến họ phải xấu hổ và thay đổi. Đây là một bài học về sự sáng tạo và khả năng ứng biến trong cuộc sống. 🌟😄