Ngày xưa, có một đứa bé thông minh tên là Nguyễn Kỳ, mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác. Kỳ bị dì ghẻ hành hạ ác nghiệt nên phải bỏ nhà mà đi.
Lang thang khắp nơi, Kỳ gặp một cụ cử cho ở lại nhà và dạy học. Sẵn khiếu thông minh, Kỳ không những theo kịp các bạn, mà còn nổi tiếng giỏi văn thơ.
Một hôm, Kỳ theo bạn học đi xem ca múa. Thấy mình nghèo, anh đứng trong góc nhà. Chợt cô đào hát trông thấy, và hôm sau, khi Kỳ đang ngồi đọc sách, cô đào đem 10 nén bạc đến làm quen. Kỳ nhất định không lấy, nhưng cô ta nài ép, để bạc đấy rồi bỏ đi. Cách ít lâu, nàng trở lại, rồi lại trở lại nữa. Hai bên dần dần quen nhau. Một hôm, không còn tự chủ được trước người con gái đẹp, giọng thướt tha, Kỳ làm một cử chỉ suồng sã, rồi hối hận ngay. Nhưng cô đào nghiêm nghị trách:
“Anh chớ vội tưởng lầm, em tìm đến anh vì trọng người đứng đắn, vì nghĩ đến tương lai, muốn tìm nơi nương tựa lâu dài, anh đừng nghĩ em là phường bậy bạ.”
Từ đó, Kỳ càng trọng kính cô đào hơn, và cô vẫn giúp Kỳ qua cơn túng thiếu.
Trước ngày lên đường đi thi, Kỳ muốn biết tông tích cô đào, muốn liên lạc với cô sau này, nhưng cô chỉ nói:
“Sau này nếu anh không quên em, thì em sẽ tìm đến với anh. Nếu anh quên em, thì hỏi tông tích em cũng vô ích. Phần em, em không đòi anh hứa gì cả, chỉ có Trời biết lòng em.”
Khi Kỳ thi đỗ trở về quê, cha chàng bắt kết hôn với người “môn đăng hộ đối”. Kỳ hết sức từ chối, nhất quyết thà chết hơn phụ bạc người đã một lần yêu thương giúp đỡ, nhưng cha chàng cũng nhất quyết không chịu cho quan chức kết duyên với cô ả đào, không nhận ả đào làm con dâu. Nguyễn Kỳ đau khổ, nhưng lễ giáo bắt buộc, bổn phận làm con bắt buộc, nên chàng đành phải lấy vợ theo ý cha.
Năm sau, chàng ra kinh đô thi tiến sĩ, cô đào mang đủ thứ đến thăm. Thấy Kỳ có vẻ ngượng ngùng, cô hiểu ngay, và từ biệt hẳn.
Nguyễn Kỳ thi đỗ, làm quan trong triều, đi sứ bên Tàu, dẹp loạn ở Hải Dương, được vua ban thưởng tước “quận công”.
Danh vọng cao, tiền bạc sẵn, con cái đông, nhưng Kỳ luôn nhớ tới tình cô đào hát xưa, cho người dò hỏi khắp nơi, nhưng không gặp.
Một hôm, trong bữa tiệc tại nhà người quan bạn, Kỳ đã tình cờ gặp lại cô đào. Bấy giờ nàng đã có chồng làm lính, nhưng nay chồng đã chết, chỉ còn có mẹ già yếu bệnh, nàng phải trở lại nghiệp hát để nuôi mình và nuôi mẹ.
Nguyễn Kỳ cố mời hai mẹ con về ở trong dinh, nàng đành chấp nhận. Kỳ dành cho mẹ con ngôi nhà riêng, và không để cho thiếu thốn vật gì. Một năm sau, bà cụ mất, Nguyễn Kỳ cho chôn cất trọng thể. Xong rồi, nàng cảm ơn và xin phép từ biệt. Nguyễn Kỳ không giữ lại được, nài nỉ nàng nhận lấy vài nén bạc, nàng cũng từ chối mà ra đi.
Bài viết được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau và đã qua chỉnh sửa chính tả, biên tập lại để đảm bảo nội dung rõ ràng, dễ hiểu hơn.
Đây là truyện dân gian Việt Nam, nội dung đã được biên tập lại để phù hợp với người đọc.